50 năm ngày hy sinh của 32 dân công hỏa tuyến: Ngày ấy trong tuyến lửa
Thứ Hai, 02/07/2018 09:04 | Hoài Giang
|
(CAO) Đêm 15-6-1968, 32 nam, nữ dân công huyện Bình Chánh ở lứa tuổi xuân ngời (chỉ mới từ 16 đến 20) đã vĩnh viễn ra đi trong những ngày cuối cùng của đợt 2, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân năm 1968.
Để phục vụ tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta trong đợt I và II tại Sài Gòn năm Mậu Thân 1968, cấp ủy xã Vĩnh Lộc, Chi bộ ấp Tân Hòa 1, Tân Hòa 2, Thới Hòa cùng các cơ sở cách mạng nòng cốt đã vận động, tổ chức các đoàn dân công với hàng trăm nam nữ thanh niên tham gia đi phục vụ chiến đấu.
Dân công hỏa tuyến Vĩnh Lộc là những nam, nữ thanh niên tham gia dân công với đa phần là nữ ở lứa tuổi đôi mươi. Nhiệm vụ chủ yếu của dân công hỏa tuyến là phục vụ chiến đấu. Mỗi khi có trận đánh, các đoàn dân công luân phiên nhau phục vụ, mỗi đoàn khoảng 50 – 60 người, có du kích dẫn đường.
Khu di tích Dân công hỏa tuyến tại xã Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh (TP.HCM)
Khoảng 22 giờ 30 phút ngày 15-6-1968, đoàn dân công với gần 60 người được lệnh đưa thương binh vượt bưng Láng Sấu xuống Đức Hòa – Long An và tải đạn về Sài Gòn. Khi đoàn dân công qua khỏi “vùng trắng” tới đồng bưng thì bị máy bay địch thả pháo sáng và phát hiện ra đội hình. Chúng xả đạn vào đoàn dân công.
Sau trận oanh kích đó, 35 người trong đoàn đã hy sinh, trong đó có 32 dân công (25 nữ, 7 nam, có 5 người đã lập gia đình). Ngay trong đêm, bất chấp hiểm nguy, bà con ấp Tân Hòa 1, Tân Hòa 2 đã ra đồng bưng cứu chữa những người bị thương và đưa xác con em mình lên những chiếc xe bò về nhà chăm sóc, tổ chức lễ an táng cho những người con đã hy sinh.
Ngày nay, Khu di tích Dân công hỏa tuyến tọa lạc tại ấp 4, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh; được UBND TPHCM công nhận là Khu di tích lịch sử cấp Thành phố. Khu di tích cũng là bản hùng ca về hình ảnh các cô gái vùng ven Sài Gòn đi dân công phục vụ chiến trường; là nơi lưu giữ những tấm gương sáng ngời của thanh niên vùng ven thành phố trong cuộc chiến đấu vì lý tưởng cách mạng để mang lại hòa bình trọn vẹn cho dân tộc. Năm 2010, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho tập thể đoàn dân công hỏa tuyến huyện Bình Chánh.
Những năm qua, vào đúng dịp này, Đảng ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ xã Vĩnh Lộc A luôn tổ chức lễ giỗ cho tập thể 32 dân công hỏa tuyến đã hy sinh. Bên cạnh việc dâng hương tưởng nhớ tập thể anh hùng đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, địa phương còn trao các phần quà cho thân nhân gia đình dân công.
Để tưởng nhớ 50 năm ngày hy sinh của 32 liệt sĩ dân công hỏa tuyến tại Vĩnh Lộc, Bình Chánh, chương trình giao lưu nghệ thuật đặc biệt mang tên Ngày ấy trong tuyến lửa diễn ra lúc 18 giờ 30 ngày 2-7, tại Khu di tích Dân công hỏa tuyến Mậu Thân 1968 và được truyền hình trực tiếp trên kênh HTV9.
Trong chương trình, những nhân chứng lịch sử sẽ trực tiếp kể lại câu chuyện về cuộc chiến khốc liệt trên vùng đất Vĩnh Lộc – vành đai lửa năm xưa. Đó là câu chuyện của cô Nguyễn Thị Khỏi, cựu dân công hỏa tuyến năm xưa, hay câu chuyện về liệt sĩ Huỳnh Thị Điệp trước khi làm nhiệm vụ đã gửi lại cho mẹ mình đứa con bé bỏng…
Cùng với phần giao lưu là các tiết mục văn nghệ đặc sắc như Giai điệu Tổ quốc, Bài ca không quên, Cô gái Sài Gòn đi tải đạn, Có những tuổi 20 như thế… qua phần thể hiện đầy cảm xúc của các giọng ca Anh Bằng, Hạ Trâm, Đào Mác, nhóm Phương Việt, ca sĩ Đào Trí…
Chiều 1-7, trao đổi với phóng viên Báo CATP, Phó tổng giám đốc Đài Truyền hình TPHCM Thái Thành Trung chia sẻ: “Đây là chương trình được ban tổ chức dành nhiều công sức thực hiện. Những tình cảm của các nhân vật trong buổi giao lưu Ngày ấy trong tuyến lửa cũng là dịp để khán giả trẻ cảm nhận rõ hơn về những hy sinh của các thế hệ đi trước, từ đó càng trân trọng hơn hòa bình, độc lập hôm nay”.